Nhiều tuyến đường được đầu tư quy mô ở Gia Lai sẽ góp phần tăng năng lực vận chuyển, kết nối các điểm du lịch nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.

Ngày 3.4, UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2023 địa phương triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, có vốn đầu tư quy mô như trục đường hành lang kinh tế phía đông, dự án đường Nguyễn Văn Linh, đường Lê Đại Hành… Các dự án không chỉ có ý nghĩa trong phát triển kinh tế xã hội của Gia Lai mà còn góp phần tạo nên bộ mặt của đô thị Pleiku.
Dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo không gian phát triển, mở rộng đô thị là tuyến hành lang kinh tế phía đông. Đường đang được thi công, giúp kết nối các huyện Đăk Đoa, Chư Păh với TP Pleiku. Đường sẽ băng qua các điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai như Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, chùa Minh Thành, hàng thông trăm tuổi…
Theo thiết kế, đường dài khoảng 16km, bề rộng nền đường 30m, bề rộng mặt đường 21m. Đây là dự án thuộc nhóm B có tổng mức đầu tư lên tới 1.200 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 900 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỉ đồng do Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, chế biến, xuất khẩu hàng hoá với vùng nguyên liệu, đất đai rộng lớn. Hiện các tuyến khác như Quốc lộ 19 nối Gia Lai với tỉnh Bình Định, thông thương với Campuchia, Quốc lộ 14 kết nối Kon Tum, Đắk Lắk, Quốc lộ 25 với Phú Yên… giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hoá, hành khách.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đang chờ tuyến đường sắt qua các tỉnh Tây Nguyên để kết nối nhanh, mạnh hơn với các tỉnh thành khác. Theo đánh giá, đường sắt vẫn là loại hình vận tải có ưu điểm vượt trội về năng lực và tốc độ vận chuyển trên cự ly trung bình và dài, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường kết nối giữa các vùng miền.
Hệ thống đường sắt qua Gia Lai là nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng thu hút đầu tư, nhất là công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Việc này cũng phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2030-2050 sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh với khu vực Tây Nguyên, bao gồm Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước với tổng chiều dài dự kiến khoảng 550km. Quá trình đầu tư dựa trên cơ sở Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Tuấn